Kinh nghiệm ăn phở của tôi rất đơn giản: gọi một bát phở bắp – gầu, sẽ biết quán xịn hay không liền. Ở nhiều nơi, tôi lại nhận được hai thứ thịt nhiều mỡ, mùi vị tẻ nhạt và dai nhách.

Sống ở TP.HCM, có lẽ văn hóa một thời “tô – ly – điếu – tờ” vẫn luôn được trân quý và gìn giữ theo cách riêng của ai yêu mảnh đất nghĩa tình này. Thời gian trôi đi, văn hóa đó không còn bị gói gọn hay bó hẹp ở chuyện tô hủ tiếu, ly cà phê, điếu thuốc lá, tờ báo đọc nữa, thay vào đó được hiểu rộng hơn, tùy văn hóa ăn uống, sinh hoạt của mỗi người.
Và tôi, một người Sài Gòn chánh cống, thích sự lựa chọn một tô phở nóng để bắt đầu ngày mới, nhất là phở ở 34 Cao Thắng.
Mỗi vùng miền có cách làm, hương vị, thành phẩm của phở khác nhau. Đó là lí do trên mạng xã hội vừa có bài được một người tôi quý trọng sưu tầm và chia sẻ, bài “Phở Sài Gòn kèm rau thơm và giá”. Những ngày giãn cách, nỗi nhớ phở càng cháy bỏng ngọt ngào trong tâm thức biết bao người, trong đó có “fan cứng” là tôi đây.
Tôi thích cái tên phở “34 Cao Thắng”, vì cách đặt tên có địa chỉ này rất hợp lý, gây được cảm giác trực quan nơi mình đến khi được nhắc tới ngay lập tức. Thực khách khi bước vào phở Cao Thắng thấy không gian khang trang, sạch sẽ, nhìn là thấy ưng con mắt rồi. Nhân viên quán mặc đồng phục lịch sự, từ nhân viên trông xe đến bồi bàn đều đem đến cho khách hàng cảm giác thoải mái và được tôn trọng.
Đặc biệt, quán chinh phục cả những thực khách khó tính nhất bởi hương vị phở bò truyền thống.
Kinh nghiệm ăn phở của tôi rất đơn giản: gọi một bát phở bắp – gầu, sẽ biết quán xịn hay không liền. Ở nhiều nơi, tôi lại nhận được hai thứ thịt nhiều mỡ, mùi vị tẻ nhạt và dai nhách.

Còn ở phở 34 Cao Thắng, bạn hãy tưởng tượng hình ảnh một nhúm bánh phở, một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau xanh thơm biêng biếc; mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ; mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu…
Nước dùng nóng lắm, nóng bỏng rẫy, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cái cay của gừng, hạt tiêu, ớt; thỉnh thoảng lại thấy cái thơm nhè nhẹ hành hoa, thơm hăng hắc của rau thơm, thơm dìu dịu của thịt bò tươi và mềm… Rồi hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng ngọt cứ lừ, ngọt một cách hiền lành êm dịu, ngọt một cách thành thực thiên nhiên, không có chất gì là hóa học.
Ở phở Cao Thắng, những thành phần chính trong tô phở, như bánh phở, thịt bò, nước ninh xương, các loại gia vị đều được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Thực khách có thể xem công đoạn thái thịt, nhúng thịt, chan phở ở ngay quầy hàng chỗ cửa ra vào.
Tô phở trông hài hòa, bắt mắt với những lát hành tây thái mỏng, cùng những lá hành hoa thái réo thơm phức ăn kèm với rau. Thịt bò mềm, chín vừa tới quyện trong nước xương đậm đà, vị cay cay của hồi quế khiến bất kỳ ai cũng phải lưu luyến. Tôi đi ăn phở ở đây lúc nào cũng không quên là gọi thêm một chén nước tiết vì vị ngọt, độ chín vừa vặn.
Cho đến nay, món phở đã vượt khỏi biên giới Việt Nam để đến với nhiều quốc gia trên thế giới.Vậy nên khởi đầu một ngày mới với một tô phở nóng hổi, đủ vị và đúng với sở thích của mình quả thực là điều tuyệt vời, nhất là sau khi TP.HCM cho ăn tại chỗ.
LÊ NGỌC PHÚ