Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê yên bình. Thuở nhỏ nhà nghèo tôi không được ăn nhiều món ăn ngon, cũng không được đi đâu xa ngoài ngôi làng nhỏ bé của mình. Chỉ đến khi lên đại học tôi mới rời quê hương đến một vùng đất mới.

Hà Nội trong mắt cô bé nhà quê lần đầu ra phố như tôi thật đáng sợ. Tôi sợ người lạ, sợ lạc đường, sợ cả những chiếc ôtô, xe máy nườm nượp. Nhưng Hà Nội lại có những món ăn ngon hấp dẫn tôi. Những cốc chè, gói xôi, bánh mì kẹp thịt… thậm chí cả trà đá ven đường cũng làm tôi say mê. Trong muôn vàn món ngon ấy tôi thích nhất là phở.
Lần đầu tiên tôi biết đến phở là khi bị lạc đường ở một ngõ nhỏ. Lúc ấy tôi vừa đi làm thêm về, vừa đói vừa khát, mệt mỏi chán chường. Dựng chiếc xe đạp dưới mái hiên nhà người, tôi nhìn xung quanh. Tiếng rao bánh bao, bánh khúc xôi lạc lôi hồn tôi đi.
Tiếng mẹ quát con, chồng mắng vợ kéo tôi về thực tại. Tôi ngửi thấy mùi vị thơm ngọt của canh xương, mùi ngai ngái của thịt bò, mùi hăng hăng của hành lá và mùi thèm ăn của đứa tôi đây. Tôi đi về nơi có ánh điện vàng ấy. Ở đó có nồi nước dùng trên bếp than tổ ong to đang sôi sùng sục, khói bốc nghi ngút.
Ông chú đeo chiếc tạp dề cũ cầm chiếc môi to nhúng thịt bò. Đôi ba bàn gỗ, những băng ghế dài, lác đác vài người đang hì hụp húp, vừa ăn vừa xuýt xoa. Có lẽ là ngon, có lẽ là nóng. Chiếc quạt trần sơn xanh trên trần nhà quay tít mù càng làm hương phở bay xa, bay tràn ngập lòng tôi.
Tôi sờ tờ 10 nghìn được gấp cẩn thận trong túi quần. Ăn hay không ăn? Ăn – vừa hết đói vừa hết thèm, hết luôn cả công sức một chiều vất vả. Không ăn – để tiền mua được 20 ổ bánh mì chay, hoặc 10 cái bánh mì kẹp thịt – 2 suất cơm bụi – mười mấy gói mì tôm, thậm chí 20 củ khoai đấy.
Khi đó 10 nghìn với đứa sinh viên như tôi là to lắm. Nhưng 10 nghìn chỉ đủ một bát phở.
Tôi gọi đó là món ăn của nhà giàu. Tôi nhìn đôi tay thoăn thoắt bỏ vào vớt ra của ông chú mà ruột gan cồn cào. Ăn – tôi cắn răng bước vào quán, bỏ lại sau lưng tất cả những ồn ào, mệt mỏi. Trong lúc ngồi chờ đến lượt, đã mấy lần tôi toan đứng lên. Tôi nghĩ đến bát cơm trộn cá khô tối qua, chiếc bánh mì chay buổi sáng, tôi nhìn đôi tay đầy vết xước vì sắp xếp hàng hóa buổi chiều. Tôi lại nghĩ đến giọt mồ hôi của cha, khuôn mặt khắc khổ của mẹ.
Chỉ vài phút chờ đợi mà như dài cả năm. Cuối cùng, ông chú giải thoát sự vùng vẫy của tôi bằng một bát phở bò thơm lừng.

Chiếc bát sứ trắng, sợi phở còn trắng hơn, nước dùng nóng hổi. Điểm trên nền tuyết trắng ấy là những miếng thịt bò mỏng như tờ giấy, miếng cuộn tròn, miếng nằm nghiêng, miếng ngồi một góc.
Che trên đầu chúng là gốc hành trắng được chẻ nhỏ, những đoạn hành xanh cắt khúc, những mẫu rau thơm băm rối. Trên tất cả là lấm tấm những hạt tiêu đen xay mịn thơm lừng.
Vắt một miếng chanh trộn đều lên, bên dưới còn vài miếng hành tây lát mỏng nữa đấy. Tôi bắt đầu ăn và khóc, nước mắt chỉ quanh bờ mi và mũi sụt sịt. Tôi khóc vì phở quá nóng, quá ngon hay khóc vì tiếc 10 nghìn, tôi cũng không biết nữa.
Không biết vì tôi quá đói, quá mệt hay thực sự phở quá ngon mà tôi ăn đến hết cả giọt nước dùng cuối cùng. Quả thật từ khi sinh ra đến tận lúc đó, chưa bao giờ tôi được ăn món nào ngon như vậy.
Cái cay của hạt tiêu, cái thơm của rau và cái đậm đà của thịt bò cứ quẩn quanh theo tôi vào cả giấc mơ đêm đó. Những ngày sau ăn bánh mì chay, ăn cơm nguội cũng có sao đâu. Một lần trong đời cho tôi được tận hưởng cuộc sống đi.
Đã qua bao nhiêu năm, qua bao món và qua bao nhiêu quán phở, tôi vẫn nhớ mãi bát phở ngày nào. Hiện tại quán của ông chú vẫn còn nhưng bàn ghế mới, bếp điện thay bếp than, quạt công nghiệp thay quạt trần cũ.
Ông chú chỉ đứng phụ, còn con gái chú làm chính. Phở vẫn ngon nhưng không có hương vị như ngày nào.
Hương vị của sự đấu tranh giữa ham muốn cá nhân và hiện thực phũ phàng của cô sinh viên nghèo khi xưa. Hương vị của lần đầu tiên ấy sẽ không bao giờ phai mờ. Để giờ đây tôi nói với con gái: Ngày xưa mẹ từng tiêu một số tiền lớn vì ăn đấy.
ĐINH THỊ HẢO